To cao và gọn chắc như một bà Tây, cô bước lên khán đài rất nhanh nhẹn tự nhiên. Không ai nghĩ rằng đó là một “lão bà bà” đã trên 70 tuổi. Càng không ai nghĩ rằng đây là một vị Tiến Sỹ chuyên gia hàng đầu về ngành Tim mạch của Việt Nam. Cô nguyên là Trưởng khoa Tim mạch của một bệnh viện lớn nhất nước ta: Bệnh Viện Chợ Rẫy.
Cứu được người có cứu được chính mình?
Cô kể rằng, mình xuất thân từ một gia đình gia giáo có truyền thống “quý tộc” lâu đời ở cố đô với núi Ngự, sông Hương. Cô được cho ăn học tử tế và tự biết rằng mình bị bệnh Tim từ lúc 13 tuổi. Cô có ý chí là sẽ theo đuổi ngành Y, chuyên sâu vào khoa Tim mạch để nắm mọi kiến thức khoa học chữa trị cho chính mình.
Khi thi đậu Đại Học Y Hà Nội những khóa đầu tiên, cô bị từ chối vì không đủ điều kiện sức khỏe. May mà nhờ giáo sư Chung viết giấy tay cho nhà trường mới được vào học.
Cô học xuất sắc và tham gia chiến trường để cứu các thương binh. Cô được cử đi học và đào tạo bài bản ở các nước tiên tiến trong đó có nước Đức. Gần 50 năm gắn bó với nghề nghiệp, cô tham gia đào tạo rất nhiều các tiến sỹ, thạc sỹ ngành tim. Cô cũng viết nhiều bài báo khoa học về chuyên môn…
Cách đây 12 năm, một đồng nghiệp cùng làm chung bệnh viện Chợ Rẫy với cô có đến để nói với cô về một môn tu luyện theo trường phái Phật đem lại những hiệu quả kỳ diệu. Người bình thường cũng đã khó tin được điều cô Tại kể vì nó huyền diệu quá nên cũng không có gì là lạ khi một Tiến Sỹ y khoa đầy thành tích với biết bao công trình khoa học, vốn chỉ tin khoa học thực chứng là tuyệt đối đúng… lại có thể tin những gì bạn mình nói?
Nghịch cảnh cuộc đời: Chuyên gia về tim lên bàn mổ vì bệnh tim.
Mãi tới lúc xét nghiệm ngay tại Khoa của mình với những triệu chứng không lành, Tiến sĩ- bác sĩ Lê Thị Thanh Thái, người dạn dày kinh nghiệm chuyên môn đã quyết định chọn một bệnh viện nước ngoài để mổ tim cho mình.
Dù là người vốn lạc quan và cứng rắn, nhưng “Sinh, Lão, Bệnh, Tử” vốn là quy luật bất biến khi ta nặng bước dần trên hành lang 3 vạn 6 ngàn ngày nhìn mặt trời mỗi sớm, chờ trăng lên mỗi khuya.
Theo lời cô miêu tả, người ta mổ và đan lát cả lồng ngực của cô đủ thứ dây nhợ chuyên dụng. Chợt nghĩ tới cây kèn Saxophone của mình định tháo ra để tra dầu mỡ. Nhìn thấy cái khớp này làm chuyển động khớp khác, chằng chịt, lằng nhằng thật rối mắt mình biết những bộ phận nhân tạo trong cuộc mổ tim của cô sẽ thật khó tương thích với một cơ thể tự nhiên.
Quả thế, cô về nhà dường như nằm đợi cái chết…
Tận cùng đau khổ được gặp “phúc” thực sự…
Cú sốc thử thách cô hơn nữa chính là người chồng, một cán bộ cao cấp, rất yêu thương vợ con đã đột ngột ra đi. Nằm một chỗ để cắn răng chịu cái đau thể xác và giày vò cái đau tinh thần trong cô đơn tuyệt vọng là điều khó vượt qua của con người.
Nhưng, khi tận cùng khổ đau và tuyệt vọng thì phúc đến…
Lần này lại là người bạn thân học cùng lớp đến để giúp đỡ với đề tài ngày trước: Vẫn là Pháp Luân Đại Pháp, môn tu luyện Phật gia, thường hay được nhắc đến với tên Pháp Luân Công, nghe nói chứa đựng những điều nhiệm màu của Phật pháp. Đây là bác sỹ Thu, cũng là một chuyên gia cao cấp ngành y, đến nay vẫn rất uy tín trong việc chăm sóc sức khỏe cho Hoàng Gia và các quan chức Cam-pu-chia. Vị học viên kỳ lạ này đã thuyết phục cô Thái bằng tình bạn và những chia sẻ chân thành.
Cô Thái được mọi người đến tận tình giúp đỡ. Cô hồi phục rất nhanh và thường xuyên đón taxi đi đến nhà các bạn đồng môn để cùng nhau đọc Pháp.
Nhớ lại lần đầu tiên gặp cô, quả là hình ảnh trong bức tranh “người đàn bà xa lạ” ở thành Xanh Petecbua xa xôi. Cô ngồi ở trung tâm của căn phòng. Mặc bộ quần áo trắng phau như tuyết. Tất cả những gì cô dùng đều quý phái thượng lưu. Ngay cả cái khăn quàng cổ, cái điện thoại như được đúc bằng vàng, mùi nước hoa thoang thoảng…
Ở cô, còn lưu dấu vết đài trang của một nàng tiểu thư khuê các; sự quyền uy của một người có uy tín khoa học đầu ngành. Và rõ nhất là dấu vết của một người rất nghiêm khắc trong việc quản lý các nhân viên dưới cấp của mình…
Vào ngày cô Thái lên chia sẻ, nhiều người dùng điện thoại di động quay lại khi cô đang nói. Cô lên bục, quay nghiêng người về phía bên phải chắp tay trước ảnh Sư Phụ rất lâu. Không biết cô lẩm nhẩm những gì mà khán phòng lặng ngắt, những ngọn gió hiếm hoi từ quạt trần thổi tới cũng thành rười rượi.
Cô quay xuống kể về cuộc đời của mình. Bắt đầu là nói về gia đình ở Huế. Cô bất ngờ nói về những trải nghiệm không thể tin được khi bước chân vào con đường tu luyện. Khán phòng phăng phắc, có tiếng thút thít. Cô kết thúc: “Con cảm tạ lòng từ bi vô lượng của Sư Phụ vĩ đại đã cho con cuộc đời thứ hai”.
Rất nhiều người đến với Đại Pháp khi đã đứng bên bờ vực thẳm của Sinh Tử, nên ai cũng nói thầm cái điều mà cô Thái nói giùm mình. Thay cho tiếng vỗ tay là sự im lặng thành kính…
Hồi sinh thực sự nhờ Phật Pháp nhiệm màu…
Thực ra, con đường của cô Thái đến với Phật Pháp gặp nhiều trắc trở của bản sự một nhà khoa học, một người lãnh đạo. Ngay khi đã bớt bệnh nhờ tu luyện, cô chia sẻ với mọi người là, mặc dù phận gái nhưng cô phải gánh mọi trách nhiệm về tâm linh với ông bà, cha mẹ, tổ tiên. Điều âu lo của cô là nếu chẳng may ra đi, chưa xong phần mồ mả cúng đơm, nhà thờ thì hối hận không nguôi. Cô đã định dừng tu luyện, chấp nhận cái chết vì gia tộc. Mình hiểu, cô vẫn chưa tin cô đã thoát miệng tử thần. Trước lúc cái chết tự nhiên như một logic đến thì phải lo bổn phận.
Sự việc gây chấn động trong cô, thật sự bất ngờ, khiến cô củng cố niềm tin vững chắc vào Phật Pháp lại đến từ một bác sỹ đồng nghiệp, người coi cô như ruột thịt…
Số là, bác sỹ Minh Thu cùng làm việc ở bệnh viện Chợ Rẫy đêm nằm ngủ với cháu ngoại. Nghe nói, vợ chồng con gái cũng hiếm muộn, trầy trật mãi mới có cục vàng cho cả nhà hạnh phúc. Ngặt nỗi, đứa bé này gặp chứng bệnh mà dân gian gọi nôm na là bệnh “ưa chảy máu”. Đêm hôm ấy đứa bé bị chảy máu não. Khi bà ngoại phát hiện, vạch mắt thì đồng tử đã ngừng. Cấp cứu bệnh viện Nhi đồng khẳng định là phải mổ não. Cháu được chuyển ngay sang bệnh viện Chợ Rẫy để mổ. Đã 11 ngày hôn mê và hôn mê sâu hơn nữa. Đội ngũ các bác sỹ chuyên môn đã bất lực.
Bác sỹ Minh Thu báo tin cho cô Thái, sếp mình như là một thông báo đau đớn cần sẻ chia.
Là tiến sĩ y khoa nhiều năm kinh nghiệm, cô Thái biết rằng mọi giải cứu của khoa học đã chấm dứt.
Không biết lý do gì, cô yêu cầu bác sỹ Minh Thu lấy điện thoại ghi âm lời của cô.
Đó là 3 câu niệm mà các học viên Pháp Luân Đại Pháp thường đọc với tất cả sự thành kính.
Bác sỹ Minh Thu ngồi niệm suốt đêm với cháu mình.
Đến 2 giờ sáng thì cháu hồi sinh như Thần thoại.
Mọi nhà chuyên môn không thể không tin điều kỳ diệu của câu chuyện… họ tất nhiên cũng không thể tìm được bất cứ cách lý giải khoa học nào…
Bác sỹ Thái kể cho mọi người mà khuôn mặt lóng lánh những giọt nước mắt hạnh phúc.
Đứa bé được cứu sống lan tỏa ánh sáng từ bi của Phật Pháp đến với mọi người, nó làm cho rất nhiều liên kết trở nên hòa ái thiêng liêng.
Người nhà coi cô Thái như vị cứu tinh, còn cô thì lại nói với mọi người hãy cảm tạ Đại Pháp và Sư Phụ.
Trở thành sinh mệnh tràn trề sức sống…
Giờ đây, cô Thái đã buông bỏ rất nhiều những dính mắc làm tâm cô không tĩnh khi tu luyện. Mọi chuyện trước đây cô tưởng chừng không thể thiếu vắng mình được thì nay không có cô vẫn diễn ra bình thường. Cô đặt hết tâm sức cho tu luyện.
Từ một người nằm một chỗ chỉ đợi ngày ra đi…
Giờ cô đã trở thành một sinh mệnh tràn trề sức sống. Trước, cô hay đi taxi để đến nhà bạn đồng môn cùng học Pháp, luyện các bài công pháp. Giờ cô xả bỏ sự kiêu kỳ, đi xe ôm bình dân.
Cô có thể đi lại lên lầu ba, lầu bốn rất dễ dàng mà không mệt, đây là điều không tưởng đối với chứng bệnh tim trước kia của cô.
Mỗi lúc đi ngang phòng mạch chữa bệnh tim có tên cô rất trang trọng ở đầu đường Lý Thái Tổ gần vòng xoay Hùng Vương, tôi cứ tủm tỉm cười:
Một sinh mệnh tái sinh không phải từ bệnh viện, mà bởi Phật pháp nhiệm màu.
Cô có ý định viết một số sách từ phổ thông tới chuyên sâu về bệnh Tim cho mọi người, cho sinh viên và các bác sỹ..
Không biết cô có đang tiến hành chưa?
Còn tôi thì biết chắc rằng, bệnh nhân nào, độc giả nào gặp cô, nhất định sẽ được cô chia sẻ về một khoa học siêu thường hơn, tạo ra những chuyện kỳ diệu hơn mà chúng ta vẫn trông chờ ở khoa học.
Nấn ná hoài, định gặp cô lấy thêm một số tư liệu nữa để viết về cô cho kỹ lưỡng hơn. Nhưng nhận được điện thoại của cô học trò ruột, trước dạy ở Đại Học Y Cần Thơ. Cô trò nói là lên Sài Gòn để tập huấn hay hội thảo gì đó về bệnh tim mạch. Hỏi trò là gặp cô Thái trong hội thảo không? Cô trò nói cô Thái không dự nhưng mọi người lại có những tài liệu từ những công trình khoa học của cô.
(Nguồn TanSinh.Net)